THÁNH MÔNICA-BỔN MẠNG GIỚI HIỀN MẪU

tháng 8 27, 2023 |


BÀI ĐỌC I: Hc 26, 1-4. 16-21 (Hl 1-4. 13-16)
Bài trích sách Huấn Ca.
Phúc cho người chồng có được một người vợ hiền, vì sẽ được sống gấp đôi. Người vợ mạnh khoẻ là niềm hân hoan của người chồng và sẽ sống trong yên hàn: Một người vợ hiền là gia sản quý giá, nàng sẽ được ghi vào số những kẻ kính sợ Thiên Chúa, sẽ mang lại cho người chồng những công đức, luôn luôn tỏ lòng tốt đối với người giàu có và kẻ khó nghèo, lúc nào nét mặt cũng hân hoan.
Người vợ đức hạnh sẽ làm cho người chồng được sung sướng và được khoái trá tận xương tuỷ. Một phụ nữ đức hạnh là của Chúa ban cho. Một phụ nữ cẩn ngôn và có giáo dục là một bảo vật vô giá. Ơn lại thêm ơn, khi có một người vợ thánh thiện và danh thơm tiếng tốt. Vì một tâm hồn trong sạch thật là vô giá. Như mặt trời mọc lên chiếu sáng sự cao cả của Thiên Chúa thế nào, thì người vợ hiền cũng sẽ là vật trang trí cho tư thất mình như vậy.
Bài Ðọc II: Dt 5, 7-9
Bài trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu mình khỏi chết, và vì lòng thành tín, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người.
PHÚC ÂM : Lc 7, 11-17
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến một thành gọi là Naim. Các môn đệ và đám đông dân chúng cùng đi với Người. Khi Người đến gần cửa thành, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn người con trai duy nhất của một bà goá kia và có đám đông dân thành đi đưa xác với mẹ nó.
Trông thấy bà, Chúa động lòng thương và bảo bà rằng: "Đừng khóc nữa". Đoạn tiến lại gần, Người chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại. Bấy giờ Người phán: "Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy". Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Rồi Người trao lại cho mẹ nó.
Mọi người đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa rằng: "Một tiên tri cao cả xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã thăm viếng dân Người". Và việc này đã loan truyền danh tiếng Người trong toàn cõi Giuđêa và khắp vùng lân cận.
SUY NIỆM :
Xin tạ ơn Chúa với chị em vui mừng và hạnh phúc vì chồng con và làm cho gia đình tràn ngập tiếng cười… Hãy là “báu vật vô giá” trong nhà… để gia đình bạn “ơn lại thêm ơn”… !
Với các chị em phải rơi lệ, lạy Chúa Giêsu, Chúa đã khóc, đã động lòng xót thương trước tiếng khóc của những người phụ nữ… xin an ủi và lau sạch nước mắt chúng con, những ai đang khóc vì người thân bị covid, những chị em có cảnh ngộ như Mônica…
Ước gì lời cầu nguyện trong nước mắt của chúng con, có sức cứu sống và chữa lành thể xác và tinh thần cho người thân… nhờ quyền năng Chúa. Amen.
Xem tiếp…

RẠNG: LỄ MÔNICA BỔN MẠNG BÀ MẸ

tháng 8 26, 2023 |
Xem tiếp…

NỘI QUI THIẾU NHI THÁNH THỂ VIỆT NAM

tháng 3 10, 2023 |

CHƯƠNG MỞ ĐẦU
NGUỒN GỐC – DANH XƯNG

Năm 1870 do lời xin của cha Henri Ramière, Đức Giáo Hoàng Piô IX chúc lành cho các người trẻ thuộc “Đạo quân của Đức Giáo Hoàng” nhằm hỗ trợ Tòa Thánh trong việc truyền giáo bằng sự rước lễ, dâng ngày, hy sinh để cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng, tổ chức này được gọi là Nghĩa Binh (Crusaders) và trực thuộc Hội Tông Đồ Cầu Nguyện. Năm 2016 hội này được Đức giáo hoàng Phanxico canh tân và đổi tên thành Mạng lưới cầu nguyện và Thiếu Nhi Thánh Thể toàn cầu.

Xem tiếp…

GIA ĐÌNH: VỢ-CHỒNG (Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy)

tháng 3 02, 2022 |

1-Tháng 3 là tháng kính Thánh Giuse-Bổn mạng Gia Trưởng. Ngày 8.3, anh em Gia Trưởng là chồng, có dịp quan tâm cách đặc biệt hơn đến vợ-người phụ nữ của mình, theo ý chỉ cầu nguyện chung của tháng: “xin cho tất cả mọi nền văn hóa biết tôn trọng quyền lợi và phẩm giá của phụ nữ.”
2-Dù có sự tiến bộ đáng kể trong cách cư xử với phụ nữ nơi gia đình và xã hội, nhưng họ vẫn là số đông nạn nhân của bạo lực gia đình: phải chịu đau khổ về thể xác và tinh thần nhiều lần, nhiều cách. Đó là lý do Đức giám mục giáo phận, trong Thư mục vụ Năm Phúc âm hóa đời sống gia đình, kêu gọi “Tẩy trừ bóng tối-ba không”, có :“Không sử dụng bạo lực trong gia đình dưới bất cứ hình thức nào, dù là lời nói hay việc làm.”
3-Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 của nước ta định nghĩa: 'Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên khác trong gia đình'. Theo thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao, trung bình một năm trên cả nước có tới 8.000 vụ ly hôn mà nguyên nhân do bạo lực gia đình. Cũng theo số liệu thống kê của bệnh viện, các trung tâm, phòng cấp cứu lớn của cả nước, có hơn 27% phụ nữ bị ngược đãi nhập viện, hơn 10% điều trị y khoa nghiêm trọng hằng năm do nguyên nhân bạo lực gia đình. (website Nhân dân hằng tháng, 11.02.2014)
4-Gia đình khởi đầu được xây dựng trên mối quan hệ yêu thương của hai người nam nữ nên vợ chồng. Thách đố gia đình, khủng hoảng gia đình, bạo lực gia đình…; và đối lại: xây dựng gìn giữ gia đình, Phúc âm hóa gia đình, thánh hóa gia đình… đều tác động đầu tiên đến mối liên hệ thiêng liêng và căn bản của gia đình : vợ-chồng.
5-Ý khấn tháng 1/2014 tại Tàpao có 7.137 xin cho gia đình hòa thuận và 10.002 ý xin cho chồng chung thủy! Phúc âm hóa đời sống gia đình là làm mới lại lời cam kết học thuộc khi chuẩn bị hôn nhân, tuyên bố công khai long trọng trong Thánh Lễ cưới để làm nên Bí tích hôn phối : “Anh (em)… nhận em (anh)… làm vợ (chồng) và hứa giữ lòng chung thủy với em (anh), khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em).” Vợ chồng tự mình âm thầm lập lại lời kết ước ấy trong sám hối và cầu nguyện, để xin Chúa giúp sống trung tín với giao ước và sự kết hợp nên một Thiên Chúa đã tác thánh, “loài người không được phân ly.”
6-Ngay khi nên vợ nên chồng, họ được cộng đoàn hiệp ý với chủ tế trong Thánh Lễ cưới cầu nguyện qua lời chúc hôn :
“Lạy Cha là Thiên Chúa toàn năng, Cha đã tạo dựng muôn loài từ hư vô, và an bài mọi sự trong trời đất ngay từ thuở ban đầu. Khi dựng nên con người gống hình ảnh Cha, Cha đã đặt người nữ làm trợ tá bất khả phân ly của người nam, vì vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương thịt. Như thế, Cha dạy chúng con rằng: sự gì Cha đã phối hợp nên một, loài người không bào giờ được phép phân ly.
Lạy Cha, Cha dùng bí tích cao trọng thánh hóa tình nghĩa vợ chồng, để hôn nhân tượng trưng cho sự kết hợp nhiệm mầu giữa Ðức Kitô và Hội Thánh. Lạy Cha, Cha đã phối hợp người nữ với người nam và từ nguyên thuỷ đã chúc phúc cho xã hội họ gầy dựng nên được sinh sôi nảy nở. Lời chúc phúc này, dù nguyên tội hay đại hồng thuỷ cũng không xóa bỏ được.
Xin ghé mắt nhân từ nhìn đến chị (bà) T.vừa thành hôn với anh (ông) T., và đang cầu mong được Cha ban ơn phúc. Xin cho chị (bà) được đầy lòng yêu thương, biết ăn ở thuận hòa, luôn noi gương các thánh nữ đã được tán dương trong Sách Thánh.
Xin cho anh (ông) T. biết trọn niềm tin tưởng ở chị (bà) T., nhìn nhận chị (bà) là người bạn bình đẳng, và cũng được thừa hưởng sự sống là hồng ân Chúa ban. Xin cho anh (ông) biết luôn luôn kính trọng và yêu thương chị (bà) như Ðức Kitô yêu thương Hội Thánh.
Vậy giờ đây, lạy Cha, xin cho đôi tân hôn này được kiên trì giữ vững đức tin, và thiết tha yêu mến luật Cha; được trọn tình chung thuỷ với nhau để nêu gương một đời sống thánh thiện. Xin ban cho họ được sức mạnh của Tin Mừng, để họ trở nên những nhân chứng đích thực của Chúa Kitô trước mặt mọi người.
Xin cho họ (sinh con và) được trở nên cha mẹ mẫu mực khôn ngoan đạo đức, và khi đã trải qua tuổi thọ an nhàn, họ được về thiên quốc, cùng các thánh hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con. Amen.”
7-Trong Thánh Lễ cưới, đôi bạn là người thụ động lắng nghe lời chúc hôn. Nay, vợ chồng hãy biến thành lời nguyện của mình, tự mình đọc lại lời chúc lành cao đẹp ấy, trong tư cách là người trực tiếp nói với Chúa: thay danh xưng ở ngôi vị thứ 3 (anh, chị, họ) trong bản văn, bằng chính ngôi vị thứ nhất (con, chúng con) và thay động từ hiện tại hoàn thành (vừa thành hôn) bằng quá khứ (đã thành hôn được…2 năm, 5 năm, 10 năm, 25 năm, 44 năm…) để xin Chúa gìn giữ và thánh hóa gia đình mình, giúp vượt qua thách đố của thời đại, sống ơn gọi hôn nhân gia đình theo thánh ý Chúa.
8-“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm ; Đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn”; Đã rằng là nghĩa vợ chồng-Dầu cho nghiêng núi, cạn sông chẳng rời…” Tục ngữ, ca dao đã từng ca ngợi tình nghĩa cao đẹp của vợ chồng, đáng trân trọng giữ gìn, phát huy trong văn hóa dân tộc.
9- Khi cám dỗ vũ phu, bạo lực gia đình trổi dậy, người chồng hãy lấy lời khuyên của thánh Ambrôsiô để dừng lại: “Con không phải là chủ của nàng, nàng được trao cho con để làm vợ chứ không phải làm nô lệ… Hãy đáp lại những chú ý nàng đã dành cho con, và hãy biết ơn tình yêu của nàng.”
10-“Người làm chồng hãy yêu thương vợ như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh… Chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ, trái lại người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh. Còn vợ thì hãy kính trọng chồng.” (Eph5, 25-33) Lời Chúa đây chính là sức sống giúp củng cố và làm nồng ấm lại tình yêu vợ chồng mỗi khi gặp khó khăn trong đời sống chung, thắng vượt khuynh hướng bỏ rơi “nữa kia của mình” cũng là “chính thân thể mình” mà đi tìm và liên kết với một đối tượng khác.
11- Vợ chồng ngắm lại ảnh đẹp ngày cưới, cũng hãy hồi tưởng, chiêm ngắm lại bầu khí thánh thiêng trong Thánh Lễ cưới của mình, được giáo phụ Tertulianô mô tả, và Đức chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II lập lại trong Tông huấn Gia Đình : «Tôi múc đâu ra sức mạnh để nói cho thỏa về niềm hạnh phúc của cuộc hôn nhân được Hội Thánh nối kết, được Thánh Lễ thừa nhận, được lời chúc lành niêm ấn, được các thiên thần công bố và được Cha trên trời chuẩn y… Có đôi bạn nào đẹp bằng đôi bạn Kitô hữu, được kết hợp do cùng một niềm hy vọng, cùng một nguyện ước, cùng một nề nếp, cùng một công việc phục vụ. Cả hai là con một Cha, cùng phục vụ một Chúa, không gì phân rẽ họ nổi, trong tinh thần cũng như trong thể xác, họ là hai trong cùng một thân xác. Ở đâu có cùng một thể xác, ở đó cũng có cùng một tinh thần.» (số 13)
12-Cầu chúc : Các đôi vợ chồng thắng vượt trào lưu tìm cái mới lạ ngoài hôn nhân của tệ nạn xã hội, nhưng biết tìm lại hình ảnh tươi đẹp của người bạn đời: chính là món quà quí giá nhất Chúa ban cho mình và gia đình mình ; và lời chúc hôn ngày cưới, được thành sự cho mọi đôi vợ chồng Công Giáo : “kiên trì giữ vững đức tin, trọn tình chung thủy với nhau để nêu gương một đời sống thánh thiện, trở nên chứng nhân đích thực của Đức Kitô trước mặt mọi người…”
Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy
Xem tiếp…

GIÁO XỨ-CỘNG ĐOÀN PHỤNG VỤ (Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy)

tháng 3 01, 2022 |

1-Tháng 3 là tháng kính thánh Giuse, Bổn mạng Hội Thánh, Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam, Bổn mạng Đức Giám Mục giáo phận và các Gia Trưởng. Vị thánh âm thầm, không để lại một lời nào trong Tin Mừng, nhưng có địa vị đặc biệt mà gần đây ta thấy tên ngài được xướng lên hằng ngày trong thánh lễ : “Thánh Giuse, Bạn trăm năm Đức Trinh Nữ”… Cử hành phụng vụ cách sốt sắng, chúng ta cầu nguyện cho Hội Thánh, cho Giáo Hội Việt Nam, và trong tình con thảo, mừng lễ và cầu nguyện cho Đức cha Giuse trong suốt tháng này, và cao điểm là chính ngày Lễ 19.03. Nhờ lời bầu cử của thánh Quan Thày, xin cho ngài được tràn đầy ơn Chúa chăm sóc đoàn chiên Phan Thiết.
2-Hiệp với tất cả các Gia Trưởng mừng lễ ở xứ hay hành hương Đức Mẹ Tàpao, nguyện xin thánh Cả Giuse, luôn là mẫu gương sáng ngời cho các vị gia trưởng, vừa chuyên chăm lao động nuôi dưỡng gia đình, vừa khôn ngoan bảo vệ gia đình nhờ âm thầm thực thi ý Chúa trong cuộc sống đầy thách đố như thánh Giuse đã chăm sóc gia đình thánh.
3-Thư mục vụ (TMV) đầu năm như định hướng cho toàn giáo phận sống năm “Tân Phúc âm hóa đời sống giáo xứ”, Đức cha Giuse đã định ra mô hình giáo xứ trước tiên là cộng đoàn phụng vụ. Ngài viết: “Nếu đời sống Giáo Hội được ghi dấu bởi việc cử hành phụng vụ vốn là “chóp đỉnh và trung tâm”, thì đời sống giáo xứ xét như là đơn vị nhỏ nhất của Giáo Hội tại địa phương, cũng được sinh động hóa bởi chính việc cử hành phụng vụ.” Cùng với lời giáo huấn của vị chủ chăn giáo phận, Nhịp sống đạo tháng 3 trích dẫn những lời dạy của Tòa Thánh, để chúng ta thấy rõ tầm quan trọng, đặc tính cao quí, thái độ cần có khi cử hành phụng vụ trong đời sống Giáo Hội thể hiện nơi giáo xứ mình:
4-Đặc tính cao cả của phụng vụ: “Là hành động tuyệt đối thánh thiêng, Phụng vụ là chóp đỉnh mà mọi hoạt động của Hội thánh đều hướng tới, đồng thời là nguồn mạch phát sinh mọi năng lực của đời sống Hội thánh. Qua Phụng vụ, Đức Kitô tiếp tục công trình cứu chuộc chúng ta trong Hội thánh, với Hội thánh và nhờ Hội thánh của Người.” (Toát Yếu Giáo Lý -TYGL. Câu 219)
5-Phụng vụ là công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi:
-“Trong Phụng vụ, Chúa Cha đổ tràn các phúc lành của Ngài cho chúng ta trong Người Con nhập thể, đã chết và đã sống lại vì chúng ta, và Ngài tuôn đổ Chúa Thánh Thần vào lòng chúng ta. Đồng thời Hội thánh chúc tụng Chúa Cha qua việc tôn thờ, ca tụng, tạ ơn, và cầu xin Ngài ban hồng ân là Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (TYGL.221)
- “Trong Phụng vụ Hội thánh, Đức Kitô biểu lộ và hoàn thành mầu nhiệm Vượt qua của Người. Khi trao ban Thánh Thần cho các Tông đồ, Người trao ban cho họ và những người kế nhiệm họ quyền thực hiện công trình cứu độ qua hy tế Thánh Thể và qua các Bí tích, nơi chính Người hoạt động để trao ban ân sủng của Người cho các tín hữu trong mọi thời và trên toàn thế giới. (TYGL.222)
- Trong Phụng vụ, Chúa Thánh Thần hoạt động cách chặt chẽ nhất với Hội thánh. Chúa Thánh Thần chuẩn bị cho Hội thánh gặp gỡ Chúa của mình. Ngài nhắc nhớ và làm tỏ hiện Đức Kitô cho đức tin của cộng đoàn. Ngài làm cho hiện diện và hiện tại hóa mầu nhiệm của Đức Kitô; Ngài kết hợp Hội thánh vào đời sống và sứ vụ của Đức Kitô, làm cho hồng ân hiệp thông được sinh hoa kết quả nơi Hội thánh.(TYGL.223)
6- Nhiệm vụ của mục tử đối với phụng vụ: “Các mục tử không phải chỉ chủ tâm tuân giữ các lề luật trong các hoạt động phụng vụ để cử hành thành sự và hợp pháp mà thôi, nhưng còn phải làm cho các tín hữu tham dự Phụng Vụ một cách ý thức, linh động và hữu hiệu.” (Hiến chế Phụng Vụ (PV), số 11)
-“Cha Sở cố gắng để Bí Tích Thánh Thể trở nên trung tâm của cộng đoàn giáo xứ; làm sao cho mọi tín hữu được nuôi sống nhờ việc cử hành sốt sắng các bí tích, cách riêng là thường xuyên lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Thống Hối; ngoài ra, hãy cố gắng hướng dẫn các tín hữu biết cầu nguyện, kể cả việc cầu nguyện trong các gia đình, và biết tham dự cách có ý thức và tích cực vào việc phụng vụ, mà chính Cha Sở phải là người lo điều hành trong giáo xứ mình, dưới quyền của Giám Mục giáo phận, và phải canh chừng đừng để xẩy ra những lạm dụng.” (Giáo luật điều 528: #2)
7-Thái độ cần có để tham dự phụng vụ: “Nhưng muốn thâu đạt được hiệu năng toàn vẹn ấy, tín hữu cần đến tham dự Phụng Vụ Thánh với tâm hồn chuẩn bị sẵn sàng, ngay thẳng, hòa hợp tâm trí mình với ngôn ngữ, và cộng tác với ân sủng trên trời, để đừng nhận lãnh ân sủng đó một cách vô ích.” (PV.11)
-“Giáo Hội hằng bận tâm lo cho các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy, không như những khách bàng quan, câm lặng, nhưng là những người thấu đáo mầu nhiệm đó nhờ các nghi lễ và kinh nguyện: họ tham dự hoạt động thánh một cách ý thức, thành kính và linh động: họ được đào tạo bởi lời Chúa; được bổ sức nơi bàn tiệc Mình Chúa; họ tạ ơn Chúa; và trong khi dâng lễ vật tinh tuyền, không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với ngài, họ tập dâng chính mình; và ngày qua ngày, nhờ Chúa Kitô Trung Gian, họ được tiêu hao trong tình kết liên với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người.” (PV.48)
8-Đức Cha tóm kết hai nhiệm vụ trên : “Linh mục quản xứ bảo đảm cho sinh hoạt phụng vụ được cử hành đầy đủ, không chỉ nghiêm túc theo chữ đỏ mà còn sốt sắng theo lòng tin trong Giáo Hội; còn giáo dân làm thành cộng đoàn phụng vụ cũng cần tham dự cách chủ động, không như khán giả xem buổi trình diễn mà như những tham dự viên cùng hiệp thông dâng lễ.
Thật đáng khích lệ trong giáo phận, thánh lễ và các bí tích, cách riêng bí tích Thánh Thể vẫn được cử hành đầy đủ, đều đặn và đúng đắn, điều cần thêm là phả vào trong những cử hành ấy một một sức sống mới, để có thể trở thành ánh sáng xua tan mọi ngõ ngách u tối của tội lỗi. Kinh nghiệm mục vụ cho thấy tại những giáo xứ mà phụng vụ Thánh Thể được cử hành nghiêm túc và sốt sắng, các tệ nạn ở đấy cũng giảm thiểu cách đáng kể hoặc biến mất dần.” (TMV)
9-Quí chuộng phụng vụ đại triều hiệp thông với Đức Giám Mục: “Mọi người phải hết sức mến chuộng đời sống phụng vụ của giáo phận chung quanh Giám Mục, nhất là tại nhà thờ chánh tòa: họ phải xác tín rằng Giáo Hội được đặc biệt biểu lộ khi toàn thể dân thánh Chúa tham dự trọn vẹn và linh động vào những cử hành Phụng Vụ, đặc biệt trong cùng một Lễ Tạ Ơn, cùng một lời nguyện cầu, nơi một bàn thờ duy nhất, ở đó Giám Mục chủ tọa giữa Linh mục đoàn và các thừa tác viên bao quanh Ngài… phải cổ võ đời sống phụng vụ của giáo xứ và mối liên hệ giữa đời sống ấy với Giám Mục trong tâm trí cũng như trong hành vi của các tín hữu và của hàng giáo sĩ; còn phải ra sức làm triển nở ý thức cộng đoàn giáo xứ, nhất là trong việc cử hành Thánh Lễ cộng đồng ngày Chúa Nhật.” (PV.41-42)…
Mũi Né, 11.02.2015
Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy
Xem tiếp…

NỘI QUY GIỚI TRẺ

tháng 2 14, 2020 |
NỘI QUY GIỚI TRẺ - GIÁO PHẬN PHAN THIẾT
(XIN MỜI XEM TIẾP)
Xem tiếp…

NỘI QUY HỘI GIA TRƯỞNG CÔNG GIÁO

tháng 2 14, 2020 |
NỘI QUY
HỘI GIA TRƯỞNG CÔNG GIÁO
GIÁO PHẬN PHAN THIẾT
I- TÔN CHỈ - MỤC ĐÍCH:
Điều 1: Hội Gia trưởng Công Giáo quy tụ các phụ huynh và những người nam không lập gia đình trong Giáo xứ với mục đích thánh hoá bản thân, gia đình và môi trường xã hội.
Xem tiếp…

NỘI QUY HỘI CÁC BÀ MẸ CÔNG GIÁO

tháng 2 14, 2020 |
NỘI QUY HỘI CÁC BÀ MẸ CÔNG GIÁO
GIÁO PHẬN PHAN THIẾT
Chiếu theo lịch sử tinh thần, mục đích và cơ cấu của Tổng Hội Các BMCG ở Paris (Pháp)
Xét theo nhu cầu mục vụ tông đồ của Giáo phận. Nay ấn định nội quy của Hội BMCG trong Giáo phận như sau:

(XIN MỜI ĐỌC TIẾP)
Xem tiếp…